Ngân sách Quân đội nhà Trần

Kinh phí để duy trì quân đội đều phụ thuộc vào nguồn tô thuế quốc gia, giống như thời nhà Lý. Ngay từ thời Lý, triều đình đã đặt ra nhiều ngạch tô thuế cụ thể: thuế đầm, ao ruộng; thuế bãi dâu; thuế sản vật ở các phiên trấn, thuế muối ở quan ải, thuế nguyên liệu quý của các dân tộc thiểu số; và thuế gỗ, hoa quả đầu nguồn.[4] Tất cả tô này (nộp hiện vật thay tiền thuế) đều đóng vai trò quan trọng trong khả năng quốc phòng, ví dụ như muối dùng để bảo quản quân lương, kim loại thô dùng để đúc quân trang, binh phí, bảo dưỡng thuyền bè, ngựa vùng biên cho kị binh,... Ngoài ra, số thuế thu được triều đình quản lý chặt chẽ, giúp duy trì quân đội ổn định mà vẫn chi phối được sức mạnh của phiên binh địa phương.

Năm 1242, triều đình đặt ra mức điền phú, theo đó: "dân đinh nào có ruộng phải nộp tiền thóc, không có ruộng thì mới được miễn". Cụ thể, người có 1-2 mẫu ruộng phải nộp 1 quan tiền thuế, cứ 3-4 mẫu ruộng phải nộp 2 quan tiền thuế, còn từ 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan. Riêng tô thì cứ sở hữu 1 mẫu ruộng thì dân địch phải nộp 100 thăng thóc (gấp hàng chục lần so với thời Lý, chỉ 3 thăng) để cấp dưỡng cho quân đội.

Sang đến thời Trần Phế Đế, nhà Trần đánh nhau với Chiêm Thành (1378), buộc triều đình phải đặt thêm thuế dung (thuế thân, phỏng theo thuế khóa thời nhà Đường bên Trung Quốc) mỗi mẫu thêm 5 thăng thóc. Ngoài ra, thuế bãi dâu cũng tùy vào đất tốt xấu mà đánh thuế. Cụ thể, mỗi mảnh đất thượng đẳng (thường là đất phong của vương hầu quý tộc) thì thu thêm 5 quan tiền, trung đẳng 4 quan và hạ đẳng 3 quan.